Trong nhiều loại đậu hạt, đậu lăng là một trong những loại đậu yêu thích của mình. Ưu điểm của đậu lăng so với nhiều loại đậu khác là bùi thơm, đặc biệt là thời gian nấu nhanh hơn hẳn. Tuy không phải là một giống cây nội địa nhưng đậu lăng đang ngày càng trở nên phổ biến trong mâm cơm gia đình của nhiều người, với giá cả khá bình dân. Hôm nay, bạn và mình cùng tìm hiểu về loại đậu này nhé!
1/ Nguồn gốc và thông tin cơ bản
Đậu lăng được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, có nguồn gốc từ các nước phương Tây và Trung Á. Bạn sẽ thấy loại đậu này xuất hiện trong các món ăn đến từ ẩm thực Ấn Độ.
Đậu lăng có nhiều chủng loại, nhưng phổ biến có 6 loại. Trong đó, có 2 loại đậu lăng đỏ và xanh được bán phổ biến ở Việt Nam.
- Đậu lăng đỏ: là loại đậu có màu cam, hạt nhỏ và đã được bỏ vỏ và tách làm đôi. Loại đậu này cũng là loại đậu bở bùi nhất, cùng thời gian nấu nhanh nhất. Chính vì vậy đây là loại đậu lăng mình ưa dùng ở nhà. Loại đậu này khi nấu chín sẽ chuyển sang màu vàng cam nhạt.
- Đậu lăng xanh: là loại đậu có màu xanh lá cây nhạt, còn nguyên vỏ, và khi nấu trong một thời gian lâu thì vẫn giữ được hình dáng ban đầu. Vì vậy bạn có thể nấu loại đậu này dành cho các món Salad chẳng hạn.
Bên cạnh 2 loại kể trên, chúng ta còn có đậu lăng nâu, vàng, đen và xanh (Pháp).
- Đậu lăng đỏ: https://shp.ee/ref2mcf
2/ Giá trị dinh dưỡng
Bảng giá trị dinh dưỡng (cho 100g đậu)
- Năng lượng: 116 calo
- Chất béo bão hoà: 0.1g
- Chất béo không bão hoà: 0.3g
- Kali: 369mh
- Chất xơ: 8g
- Protein (chất đạm): 9g
- Canxi: 19mg
- Vitamin A: 8 IU
- Vitamin C: 1.5mg
- Sắt: 3.3mg
- Vitamin B6: 0.5mg
- Magie: 36mg
Giống với nhiều loại đậu đỗ khác, đậu lăng là một thực phẩm cung cấp tương đôi ít năng lượng, và khá nhiều protein (chất đậm). Cùng với đó là sắt và các loại vitamin, khoáng chất khác. Có khoảng 26% năng lượng trong đậu lăng đến từ protein. Vì vậy loại đậu này có thể nói là một nguồn đạm tốt cho những người ăn chay và thuần chay. Tuy protein có trong đậu lăng ở dạng không đầy đủ, nhưng khi nấu và ăn cùng gạo thì chúng bổ sung lẫn nhau, và các loại amino acid thiết yếu được cung cấp cho cơ thể.
3/ Cách chế biến và công thức & cách bảo quản
Cách chế biến loại đậu này không hề có nhiều khác biệt, so với các loại đậu khác. Bước đầu tiên trong quá trình chế biến là việc ngâm đậu. Lợi ích của việc này, bạn hãy đọc ở bài viết bên dưới nhé.
Dưới đây là một số công thức mình hay nấu với loại đậu này:
Cơm độn đậu lăng
Đây là món cơm mà mình có thể ăn mãi không chán. thơm ngon đến hạt cuối cùng. Công thức chi tiết, bạn có thể tìm đọc trong cuốn VỀ NHÀ ĂN CƠM – 45 Công Thức Thuần Chay Cho Mâm Cơm Nhà của mình. Link mua trên Shopee: https://shp.ee/ksp7ny3
Một món ăn khác cũng không kém phần ngon lành, là món cà ri đậu lăng vô cùng đơn giản, mà lại ấm bụng này
Cách bảo quản
Cách bảo quản loại đâu này khá dễ dàng. Khi bạn mua đậu về thì đậu đã ở dạng khô rồi, vì vậy bạn chỉ cần cho vào hộp/túi đóng kín, tránh xanh ánh sáng và độ ẩm là có thể bảo quản đậu được một cách lâu dài.