Có những loại sốt bạn phải thử một lần trong đời, một trong số đó là sốt Hummus. Sốt có nguồn gốc từ các nước Trung Á. Có tài liệu cho rằng Hummus xuất hiện lần đầu ở Ai Cập vào khoảng thế kỉ thứ 13. Trong suốt chiều dài của lịch sử, có nhiều phiên bản của hummus đã xuất hiện, kết hợp những nguyên liệu truyền thống với sự sáng tạo và giao thoa văn hoá. Lần này mình xin chia sẻ với mọi người công thức cổ điển của sốt Hummus.
Nguyên liệu chính của món sốt chính là đậu gà (chickpeas). Ở Việt Nam, đậu gà đang dần trở nên phổ biển hơn bao giờ hết. Mình phải thừa nhận mình bị nghiện tất thảy những món từ đậu gà. Thêm chút bơ mè (tahini), tỏi, bột thì là Ai Cập, muối, chút tiêu, dầu olive là chúng ta đã một món sốt ngon lành. Không còn gì tuyệt vời hơn là từng thanh cà rốt giòn tan, chấm ngập hummus. Rau củ tươi sống không còn quá nhạt nhẽo phải không nào :”)
- Đậu gà khô: https://shp.ee/6a4yyd4
Dưới đây là công thức Sốt Hummus, cùng với hướng dẫn chi tiết và hình ảnh minh hoạ. Bạn click vào ảnh để xem ảnh lớn hơn nhé. Nếu bạn có bất kì thắc mắc gì, hãy bình luận ở dưới, mình sẽ giải đáp!

Ingredients
- 1 cup đậu gà
- 2 nhánh tỏi
- 3 thìa canh (3 tbsp) bơ mè (tahini)
- 2 thìa canh nước cốt chanh vàng (lemon juice)
- 2 thìa canh dầu extra virgin olive oil
- 1 thìa cà phê (1 teaspoon) bột thì là Ai Cập (cumin)
- một chút muối và tiêu đen
- 1/4 cup nước luộc đậu gà
Instructions
- Đậu gà ngâm qua đêm hoặc ít nhất 8 tiếng. Ninh đậu gà với nước khoảng 45-1 tiếng để đậu chín mềm. Để đậu nguội (giữ lại nước luộc đậu gà).
- Tỏi bóc vỏ sau đó đập dập.
- Cho vào máy xay: đậu gà, bơ mè, tỏi, nước cốt chanh, bột thì là Ai Cập, dầu olive, muối, tiêu đen, tiếp đó xay nhuyễn. Cho thêm nước luộc đậu gà và xay tiếp. Độ mịn mượt của sốt thì tuỳ theo ý thích của bạn. Nếu thấy sốt đặc thì cho thêm nước luộc đậu gà nhé. Ở đây mình dùng nước luộc đậu gà, không dùng nước lọc, để tăng thêm mùi vị cho món sốt hummus.
Cách dễ nhất và ngon lành nhất để thưởng thức sốt hummus là dùng làm sốt chấm rau củ. Mình ăn kèm sốt với cà rốt, ớt chuông đỏ, bí đỏ bỏ lò và dưa chuột thái lát.
*Cách làm bí đỏ bỏ lò rất đơn giản: cắt khúc hoặc thái lát, ướp với dầu olive và chút muối, nướng ở 200 độ C trong vòng 20-25 phút*
10 comments
Không cho tahini có được ko ạ?
Không cho thì vị món hummus sẽ bớt ngon đi đó bạn 😉
Sốt này mình bảo quản tủ lạnh dùng được bao lâu ạ, thay dầu oliu bằng dầu đậu nành được không anh.
Sốt này nên để 1-2 ngày thôi bạn. Bạn có thể dùng dầu đậu nành để thay thế nhưng mùi vị sẽ khác đôi chút, nhưng nhìn chung không ảnh hưởng quá nhiều bạn à :”D
Mình cũng là Fan cuồng của Hummus với Falafel và nhiều món ăn đến từ các nước Trung Á. Mình có học cùng 1 bạn người Syria, bạn ấy cũng dạy mình tự làm Hummus và 1 vài món khác nữa, đúng là khác hẳn so với đi mua ở Supermarkt. Cảm ơn bạn đã chia sẻ những công thức này.
Không có gì bạn ơi. Cảm ơn bạn đã ghé thăm Blog của mình 😀
Facebook Chuyện của bếp đã đưa mình đến đây. Cảm ơn Đức đã chia sẻ các công thức. Mình vừa thử ăn đậu gà trong lúc chuẩn bị nguyên liệu làm hummus. Đậu ninh với nước thôi mà thơm, mà bùi đến mê mẩn. Sắp tới sẽ thử làm nhiều món từ đậu gà (mình có nghía qua thấy Đức cũng có vài công thức kìa, thích quá). Thành phẩm của mình mùi cumin nhiều làm mình nhớ đến các món ăn của Ethiopia và Bangladesh mà mình đã được ăn. Mình thì không thíc mùi nồng vậy nên lần tới có lẽ mình sẽ giảm thậm chí không cho cumin, sốt lúc đó không còn là hummus nữa nhưng mà sẽ là loại sốt yêu thích trong hành trình thực dưỡng của mình. Cảm ơn và chúc bạn luôn giữ lửa đam mê.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian ghé thăm Blog của mình. Mình rất vui khi có thể giúp bạn phần nào trong hành trình của bạn. Mình sẽ cố gắng để có thêm những công thức mới cho mọi người, đặc biệt là những công thức với đậu gà. Mình cũng yêu đậu gà lắm, thơm bùi ngon ngọt lắm ấy. À. cho mình hỏi chút, facebook Chuyện của bếp là facebook nào vậy bạn?
Cumin có mùi vị như thế nào nhỉ? Nếu ko cho Cumin thì có mất ngon nhiều ko em? 😛
Mùi vị thì khó miêu tả lắm chị ơi :”) Thiếu cumin là hơi nan giản đó chị :))